Trồng dâu tây bằng công nghệ IoT ở Đà Lạt, nông dân thu hoạch cả trăm kg, bán giá 300.000-500.000 đồng/kg
Với cách trồng dâu tây bằng công nghệ IoT của mình, anh Trần Đức Nam (thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đã có thể chăm sóc vườn dâu tây 2ha của gia đình mình mà không cần có mặt ở vườn, chẳng cần cầm đến chiếc điện thoại như những mô hình khác.
Hiện nay, khu vườn trồng dâu tây bằng công nghệ IoT ở Đà Lạt của anh Nam có diện tích 2ha. Theo anh Nam, mỗi khu vực vườn của anh sẽ được lắp các hệ thống cảm biến. Thông qua hệ thống cảm biến này, các thông số về độ ẩm, nhiệt độ, lượng nước, phân bón cung cấp cho cây dâu tây sẽ được truyền về hệ thống máy chủ, sau đó máy chủ tự tính toán, điều chỉnh, xử lý.
Anh Nam cho biết: “Chẳng hạn, 1 khu vực trồng dâu tây bị thiếu nước hoặc độ ẩm cao thì con chíp lắp tại các điểm đặt cảm biến sẽ báo về bộ máy chủ. Từ đó, máy chủ sẽ kích hoạt hệ thống tưới cho khu vực thiếu nước. Cơ chế này hoàn toàn tự động, tôi không cần phải can thiệp bất cứ điều gì, kể cả điều chỉnh qua điện thoại. Trong trang trại của tôi, công nhân làm việc chỉ tỉa lá và thu hoạch quả bằng tay thôi. Công nghệ IoT trong trang trại của tôi đã áp dụng được 70%”.
Hàng tháng, anh Nam sẽ thực hiện súc, rửa bộ phận lọc của hệ thống tưới tự động để mọi thứ được hoạt động trơn tru nhất. Thông qua hệ thống điều khiển tự động trên, mọi trục trặc về kỹ thuật, điện hay bất kỳ sự cố gì trong trang trại đều được báo về phần mềm được cài đặt trong điện thoại của chủ vườn. Từ đó, công nhân sẽ biết và chủ động sửa chữa, khắc phục sự cố.
Chia sẻ với phóng viên, anh Nam cho biết, anh bắt đầu trồng dâu tây từ năm 2019. Trong một lần được đi công tác, học tập tại Nhật Bản năm 2018, anh Nam đã có cơ hội tiếp cận được cách trồng và chăm sóc dâu của người Nhật. “Khi đó, tôi học tập tại Nhật Bản thì đến 15h là được nghỉ, rồi tôi cứ đi dạo. Trong 1 lần tôi bắt gặp 1 trang trại trồng dâu rất đẹp, vì vậy sau đó cứ mỗi lần học xong, tôi lại xin vào làm việc tại vườn dâu. Từ đó, tôi vừa học, vừa làm và với ý nghĩ “người ta làm được mình làm được”, trong khi Đà Lạt có khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp với cây dâu tây. Vì vậy, sau khi về nước, tôi đã lên kế hoạch trồng dâu tây”.
Những thiết bị cảm biến được gắn xuống đất tại nhiều khu vực rồi kết nối với hệ thống gắn sim 4G, từ đó tạo liên kết kết nối với bộ phận máy chủ để điều chỉnh chế độ chăm sóc phù hợp với nhu cầu của cây dâu tây.
Sau khi về nước, anh Nam đã nghiên cứu, lên ý tưởng về việc viết 1 phần mềm chăm sóc dâu tây hoàn toàn tự động. Sau đó, anh Trần Đức Nam đã thuê 1 đơn vị lập trình, viết app điện tử trên điện thoại để phù hợp với cây dâu tây và hoàn thiện cho anh hệ thống trên.
Chủ vườn dâu tây Nam Anh cho biết, để dâu tây phát triển tốt nhất thì phải xây dựng hệ thống nhà kính công nghệ cao. Phần mặt đất được lót bạt hoặc tráng xi măng nhằm hạn chế tối đa côn trùng gây hại xâm nhập tác động vào dâu. Ngoài ra, toàn bộ những luống dâu tây được anh Nam đặt trên các kệ sắt cao cách đất khoảng 1,2m.
Dẫn phóng viên tham quan vườn dâu, anh Nam cho biết: “Toàn bộ giống dâu tây, vật tư đều được tôi nhập về từ Nhật Bản. Sau 3 tháng trồng là cây bắt đầu cho thu hoạch. Giống cây chất lượng, kết hợp quy trình chăm sóc hiện đại nên đến nay, lứa dâu đầu tiên vẫn khỏe mạnh, cho thu hoạch quanh năm với năng suất khá cao. Hiện nay, vào mùa rộ của dâu tây thì có ngày tôi thu đến hơn 200kg dâu, thế nhưng không phải mùa dâu thì tôi phải sử dụng các biện pháp kỹ thuật để kích dâu ra trái. Những ngày không phải mùa thì sẽ thu được khoảng 100kg/ngày. Dâu tây sẽ được tôi đóng gói trong 2 loại hộp 0,25kg hoặc 0,5kg để xuất bán đến các thị trường miền Tây, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, siêu thị…”.
Ngoài khu vực trồng dâu tây sản xuất thì anh Nam còn xây dựng 1 khu vực khoảng 200m2 để trồng dâu tây cho khách tham quan. Du khách có thể tự hái dâu, nếu thấy thích có thể mua thêm dâu tại trang trại. Hiện, anh Trần Đức Nam đang bán dâu tây cho đối tác theo các khung giá 300.000 đồng, 400.000 đồng, 500.000 đồng/kg.
Những trái dâu tây chín đỏ bên trong trang trại của anh Nam khiến du khách thích thú mỗi khi đến tham quan.
Mặc dù là một công chức làm việc nhà nước nhưng anh Nam vẫn dành thời gian rảnh vào thứ 7, chủ nhật đến trực tiếp quản lý và kiểm tra hệ thống máy móc vận hành.