Nam Anh Farm

Vườn dâu tây công nghệ cao cho thu nhập tiền triệu mỗi ngày

Với 2ha dâu tây công nghệ cao, mỗi ngày gia đình ông Trần Đức Nam thu hoạch 100kg trái bán cho đối tác, thu về hàng chục triệu đồng.

Từ năm 2019, gia đình ông Trần Đức Nam bắt đầu sản xuất 2ha dâu tây theo hướng công nghệ cao với tên gọi Nam Anh Farm tại tổ 4, thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt, Lâm Đồng. Đến nay, vườn dâu phát triển ổn định và trở thành một trong những khu vườn nổi tiếng ở Đà Lạt.   

Theo ông Nam, để dâu tây có sự phát triển tốt nhất, gia đình xây dựng hệ thống nhà kính công nghệ cao và xây dựng hệ thống dàn trồng cách mặt đất khoảng 1,2m. Ở nền vườn, gia đình ông sử dụng bạt nhựa để lót toàn bộ bề mặt nhằm ngăn chặn cỏ dại và các loài côn trùng gây hại.

“Dâu được trồng trên giá thể xơ dừa kết hợp hệ thống tưới nước, bón phân tự động thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Do vậy, cây có sự phát triển đồng đều, năng suất rất cao”, ông Trần Đức Nam chia sẻ. 

Để tạo ra sản phẩm dâu tây chất lượng, gia đình ông Nam nhập giống từ Nhật Bản về trồng. Chủ vườn thổ lộ: “Sau 3 tháng trồng là cây bắt đầu cho thu hoạch. Giống tốt, kết hợp quy trình chăm sóc hiện đại nên đến nay, lứa dâu đầu tiên vẫn khỏe mạnh, cho thu hoạch quanh năm với năng suất khá cao. Theo đơn vị cung cấp giống, trong trường hợp chăm sóc tốt, dâu tây có thể thu hoạch liên tiếp trong 5 năm”. 

Hiện nay, gia đình ông Nam đã áp dụng công nghệ IOT (kết nối vạn vật) vào sản xuất. Các giá thể được lắp đặt hệ thống cảm biến để theo dõi về nhiệt độ, độ ẩm, độ Ec, pH… để đưa ra quy trình chăm bón phù hợp nhất.  

Đối với xơ dừa trồng dâu tây, gia đình ông Nam phải thực hiện quy trình xử lý các mầm bệnh, côn trùng có hại sau đó đưa vào sản xuất. Về quy trình trồng, gia đình ông Nam dùng đá núi lửa để lót đáy giá thể sau đó trải xơ dừa ở phía trên và đặt giống. Phần xơ dừa và chất dinh dưỡng được bổ sung thêm theo thời gian sinh trưởng của cây.    

Hiện nay, gia đình ông Trần Đức Nam đang tổ chức sản xuất dâu tây theo quy trình VietGAP. Sản phẩm dâu tây được đảm bảo an toàn, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên du khách có thể thưởng thức tại vườn.

Theo ông Trần Đức Nam, chủ Nam Anh Farm, Đà Lạt có khí hậu thuận lợi cho việc phát triển dâu tây nên vườn cho thu hoạch quanh năm.

Bình quân, mỗi ngày gia đình ông Nam thu hoạch 100kg dâu tây và đóng gói bán cho các đối tác tại Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai và một số địa phương khác.

Trong tổng số 2ha vườn, gia đình ông Trần Đức Nam xây dựng khu vực dành cho khách du lịch trải nghiệm. Tại đây, du khách được tham quan, thử dâu tây miễn phí và có thể tự thu hoạch, mua dâu tây làm quà. 

Hiện nay, gia đình ông Trần Đức Nam đang bán dâu tây cho đối tác theo các khung giá 300.000 đồng, 400.000 đồng, 500.000 đồng/kg.

Một du khách trải nghiệm hái dâu tây tại Nam Anh Farm.

Sản phẩm dâu tây của gia đình ông Trần Đức Nam hiện được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và được UBND TP Đà Lạt cấp quyền sử dụng nhãn hiệu Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành.

Thời gian tới, gia đình ông Trần Đức Nam kết hợp với các đơn vị, doanh nghiệp nhằm thực hiện các quy trình sản xuất mới để tạo ra sản phẩm dâu tây chất lượng cao. Gia đình ông Nam dự kiến thả các loài thiên địch để bảo vệ cây trồng thay vì sử dụng các chế phẩm bảo vệ thực vật như hiện nay.  

Bài viết liên quan

  • Vườn dâu làm du lịch đầu tiên được công nhận OCOP 3 sao
  • Trồng dâu tây bằng công nghệ IoT ở Đà Lạt, nông dân thu hoạch cả trăm kg, bán giá 300.000-500.000 đồng/kg
  • Để lại bình luận